truyền thông hưởng ứng ngày hen toàn cầu năm 2023
Ngày Hen toàn cầu (ngày Thứ Ba, tuần đầu tiên của tháng 5) là một sự kiện lớn được tổ chức trên toàn trên thế giới. Mục đích của Ngày Hen toàn cầu hàng năm là nâng cao nhận thức về bệnh hen phế quản và những ảnh hưởng của bệnh hen phế quản đối với người bệnh nói riêng và cả cộng đồng nói chung.
Bạn đã biết gì về bệnh hen chưa?
Hen phế quản/hen suyễn là một bệnh hô hấp mạn tính, phổ biến trên toàn cầu, ảnh hưởng đến 18% dân số ở các quốc gia khác nhau. Hen phế quản/hen suyễn được đặc trưng bởi các triệu chứng khác nhau như khó thở, khò khè, đau ngực hoặc ho,… và giới hạn của luồng khí thở ra. Cả triệu chứng và giới hạn luồng khí thở ra có đặc điểm thay đổi theo thời gian và cường độ. Những thay đổi này thường được kích hoạt bởi các yếu tố như tập thể dục, tiếp xúc với chất gây dị ứng hoặc chất kích thích, thay đổi thời tiết hoặc nhiễm trùng đường hô hấp.
Quản lý bệnh hen suyễn cách tốt nhất là phải đi khám định kỳ, dùng thuốc lâu dài, đúng cách và tránh những yếu tố có thể gây cơn hen kịch phát. Đây là chìa khóa vàng trong việc kiểm soát hen của bạn.
Người bệnh hen khi lên cơn, họ ho, khò khè, khó thở, nặng ngực và cảm thấy như có vật gì đè nặng hoặc siết chặt ngực. Cơn hen suyễn có thể tự hồi phục tự nhiên hoặc sau khi dùng thuốc. Khi lên cơn hen nặng mà không được cứu chữa kịp thời, bệnh nhân có thể chết.
Bệnh hen suyễn nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ làm tăng nguy cơ tử vong đối với bạn.
Bệnh hen có đặc điểm gì khác với các bệnh khác của cơ quan hô hấp? Nguyên nhân đơn giản của hen là do lớp cơ của đường dẫn không khí tới phổi bị co thắt, khiến cho đường ống hẹp lại làm bệnh nhân không thở được và cơ thể thiếu ôxy.
Một số trường hợp sau đây có ảnh hưởng không tốt tới bệnh và có thể dẫn tới sự lên cơn hen:
- Thở không khí có mùi thơm, mùi hắc, phấn hoa, lông chó, lông mèo, bụi mốc, khói thuốc.
- Ăn hay uống những chất có thể gây dị ứng.
- Bị hồi hộp, xúc động mạnh.
- Làm việc gắng sức hay cử động nặng nhọc.
- Bị nhiễm bệnh đường hô hấp.
Bệnh hen có khi chỉ khó thở nhẹ và có khi lên cơn nặng, sự tiến triển của bệnh thường rất phức tạp nên cần phải có bác sĩ chỉ dẫn việc điều trị và thuốc thang.
Tuy vậy, người bệnh có thể tự săn sóc mình theo các điều chỉ dẫn sau:
- Sử dụng thuốc xịt dự phòng thường xuyên và đầy đủ theo hướng dẫn của bác sĩ. Không được tự ý ngừng dùng thuốc dự phòng.
- Khám định kỳ đầy đủ theo đúng hẹn của bác sĩ.
- Không để các chất có mùi lạ trong nhà, nhất là trong phòng ngủ, nơi làm việc.
- Tránh không dùng gối lông. Thay gối lông bằng gối tổng hợp.
- Tránh những nơi có phấn hoa, mùi hắc.
- Không hút thuốc, không uống bia rượu và các đồ uống có cồn.
- Khi ra ngoài trời, nên đeo khẩu trang che mũi và che miệng, nhất là khi thời tiết lạnh, để sưởi ấm không khí trước khi không khí vào đường hô hấp.
- Thường xuyên giặt và phơi khô chăn ra gối đệm, không dùng thảm và rèm vải trong phòng ngủ.
- Giữ nhà ở luôn khô thoáng, sạch sẽ, đủ ánh sáng, thường xuyên dùng thuốc diệt côn trùng, nấm mốc.
- Nếu đang làm việc, thấy khó thở, phải ngưng làm việc ngay.
- Không lạm dụng thuốc cắt cơn, chỉ dùng khi có triệu chứng tức ngực, khó thở, khò khè, thở rít.
- Phải đi khám bác sỹ ngay khi triệu chứng nặng dần, dùng thuốc cắt cơn không có hiệu quả hoặc phải dùng thuốc cắt cơn quá 03 lần trong ngày.
- Khi dùng thuốc chữa các bệnh khác phải hỏi ý kiến bác sỹ.
- Khi lên cơn hen, phải ngồi dậy, không được nằm.
- Các loại thuốc và dụng cụ xịt thuốc cắt cơn hen thường dùng, cần phải để ở gần người để khi lên cơn với tay là lấy được ngay.
Người bệnh hen cần bảo vệ mình trước đại dịch COVID-19
Nhiễm trùng đường hô hấp do virus, trong đó có COVID-19 có thể làm trầm trọng thêm bệnh hen suyễn. Vì vậy, trong đại dịch COVID-19, những người mắc bệnh hen sẽ có nguy cơ lên cơn hen cao hơn. Tuy nhiên, một số lưu ý sau sẽ giúp người bệnh hen giảm thiểu được ảnh hưởng của COVID-19:
1. Kiểm soát tốt bệnh hen suyễn: Là một điểm khởi đầu quan trọng để giảm nguy cơ của bạn. Người bệnh cần tuân thủ dùng thuốc trị hen theo chỉ định của bác sĩ và duy trì tốt trong suốt đợt bùng phát dịch COVID-19 để tối đa hóa cơ hội sống khỏe. Ngừng thuốc có thể làm tăng nguy cơ hen suyễn, bệnh không được kiểm soát dễ nhiễm COVID-19 và các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn.
2. Giảm thiểu rủi ro: Để giảm thiểu nguy cơ làm trầm trọng thêm, người bệnh cần: Dùng thuốc dự phòng theo chỉ định của bác sĩ; chú ý tới hạn dùng của thuốc; hỏi ý kiến bác sĩ để đảm bảo việc kiểm soát hen là tốt nhất có thể với các loại thuốc và liều hiện tại là tối ưu.
3. Nếu các thuốc trị hen hiện tại kém hiệu quả, người bệnh cần đi khám để có phác đồ điều trị mới thích hợp. Lưu ý, khi ra ngoài cần thực hiện các biện pháp giảm nguy cơ lây nhiễm COVID-19 như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách trên 2 mét, rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước sạch…
=//==//=